Tại sao bệnh nhân đái tháo đường hay bị viêm răng lợi?

Eatsy

Cập nhật Lần cuối 3 năm trước

Người bình thường cũng rất hay bị viêm răng lợi nhưng nếu bạn bị đái tháo đường thì khả năng bị viêm răng lợi sẽ cao gấp 3 lần. Nhiễm trùng răng lợi đứng hàng thứ 6 trong số các bệnh nhiễm trùng hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Nguyên nhân là đường máu cao sẽ dẫn đến đường trong nước bọt cũng cao và nó là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn sẽ sản xuất ra axit tấn công lớp men răng và phá hủy lợi của bạn. Không chỉ có vậy, đường máu cao còn gây tổn thương các mạch máu ở vùng lợi làm nó càng dễ bị nhiễm khuẩn hơn.

Nhiễm trùng răng lợi cũng như các nhiễm trùng khác sẽ làm khó kiểm soát đường máu hơn, nhưng trái với các nhiễm trùng phổi hay đường niệu thường được chẩn đoán và điều trị sớm thì nhiễm trùng răng miệng lại hay bị bỏ qua. Vì vậy các bệnh nhân đái tháo đường cần được khám răng miệng định kỳ hằng năm, và phải kiểm tra răng miệng nếu bệnh nhân có đường máu cao mà không rõ nguyên nhân.

Các biểu hiện của bệnh lý răng miệng ở bệnh nhân đái tháo đường là

Sâu răng. Viêm lợi. Viêm chân răng, quanh răng. Khô miệng. Nhiễm nấm miệng. Sưng và loét miệng. Rụng răng. Áp xe chân răng.

Trong đó các biểu hiện sớm là miệng sưng đau và hơi thở hôi nên nếu thấy các biểu hiện này thì người bệnh đái tháo đường cần đi khám răng sớm.

Một số lưu ý mà người bệnh đái tháo đường nên làm để giữ răng miệng khỏe mạnh:

- Đo đường máu thường xuyên và cố gắng kiểm soát đường máu.

- Đánh răng ngày 2 lần, làm sạch các kẽ răng.

- Khám răng miệng định kỳ hằng năm.

- Chọn lựa các loại đồ ăn thức uống ít đường, tốt cho răng miệng. 

- Không hút thuốc lá vì thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bạn dễ bị nhiễm khuẩn. Còn khi bạn đã có viêm lợi rồi thì khói thuốc lá làm viêm lợi khó liền hơn. Nếu bạn đeo răng giả thì phải làm sạch thường xuyên.

Bài viết này có hữu ích không?

0 trên 0 người đã thích bài viết này

Bạn vẫn cần trợ giúp? Nhắn tin cho Chúng tôi