9 Nguyên tắc dùng thuốc đái tháo đường để đạt hiệu quả cao nhất.

Eatsy

Cập nhật Lần cuối 3 năm trước

1. Luôn nhớ dùng thuốc đúng giờ. Mục đích của dùng thuốc điều trị đái tháo đường là tái lập lại nồng độ và tác dụng của insulin lên đường máu như người bình thường. Vì vậy để thuốc có được tác dụng tối ưu, người bệnh cần uống thuốc đúng giờ theo chỉ định.


2. Không dùng hai thuốc cùng nhóm, ví dụ không dùng Diamicron cùng Glibenclamide vì hai thuốc này có cùng cơ chế tác dụng. Dùng hai thuốc cùng nhóm sẽ không làm tăng tác dụng mà lại tốn tiền hơn, và đặc biệt là tác dụng phụ nhiều hơn.


3. Luôn cảnh giác với các tác dụng phụ: thuốc là con dao hai lưỡi. Các tác dụng phụ của thuốc đái tháo đường có thể ở mức độ nhẹ như đầy bụng hay rối loạn tiêu hóa, mức độ trung bình như nhiễm khuẩn tiết niệu, nặng nhất là hạ đường máu.


4. Không được dùng quá liều chỉ định. Liều dùng tối đa mỗi thuốc được khuyến cáo dựa trên kết quả các nghiên cứu về khả năng dung nạp của cơ thể. Nếu dùng thuốc liều quá cao thì gan và thận phải làm việc quá sức, dẫn đến nguy cơ suy gan thận. Đặc biệt dùng thuốc quá liều chỉ định có thể gây hạ đường máu nặng.


5. Không thể dùng mãi một hay hai loại thuốc: đái tháo đường type 2 là bệnh mạn tính tiến triển tăng dần, theo thời gian bệnh nhân sẽ phải phối hợp nhiều loai thuốc và cả thuốc tiêm insulin, cũng như tăng dần liều mỗi thuốc. Bên cạnh đó do đái tháo đường là bệnh đa cơ chế, vì vậy điều trị phối hợp các thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau sẽ có hiệu quả cao hơn. Hội Đái tháo đường Mỹ khuyến cáo những người có đường máu cao nên điều trị phối hợp thuốc hơn là tăng liều tối đa một thuốc.


6. Phải kiểm tra xem đã đạt được mục tiêu chưa. Nhiều trường hợp điều trị thất bại vì người bệnh không biết hoặc không được bác sĩ cho biết mục tiêu đường máu của mình là bao nhiêu. Lưu ý mục tiêu của mỗi người là khác nhau tùy theo tuổi, thời gian bị bệnh, các bệnh đi kèm, có biến chứng thận hay tim mạch chưa.


7. Ưu tiên lựa chọn những thuốc có thêm các tác dụng tốt khác. Vì 70-80% bệnh nhân đái tháo đường sẽ chết vì biến chứng tim mạch nên bên cạnh việc kiểm soát đường máu thì giảm nguy cơ tim mạch cũng được coi là một mục tiêu quan trọng. Các thuốc hạ đường máu như Metformin, và nhất là thuốc ức chế tái hấp thu glucose ở thận đã được chứng minh có tác dụng trực tiếp làm giảm các biến chứng tim thận, nên được khuyến cáo lựa chọn ưu tiên trong điều trị đái tháo đường type 2.


8. Sử dụng insulin đúng lúc: Mặc dù là thuốc điều trị đái tháo đường mạnh nhất, nhưng vì phải tiêm và có nguy cơ cao gây hạ đường máu nên rất nhiều người bệnh đái tháo đường type 2 hay từ chối điều trị insulin khi có chỉ định. Các nghiên cứu theo dõi những người bệnh có HbA1c cao > 8% mà không được kiểm soát đường máu tích cực thì chỉ sau 1-2 năm, tỷ lệ bị biến chứng tim mạch tăng lên trên 50%.


9. Luôn phối hợp giữa dùng thuốc với chế độ ăn và tập luyện thể dục thể thao. Dùng thuốc, chế độ ăn và tập luyện là 3 trụ cột trong điều trị đái tháo đường, không thể chỉ thực hiện một hay hai biện pháp mà đạt được kết quả tốt. Trước đây, người bệnh sau khi được chẩn đoán đái tháo đường sẽ được khuyến cáo thực hiện thay đổi lối sống trước, nếu sau 3 - 6 tháng mà không đạt mục tiêu thì mới chỉ định dùng thuốc. Tuy nhiên các hướng dẫn điều trị đái tháo đường hiện nay đều yêu cầu các bệnh nhân phải dùng thuốc đái tháo đường ngay từ đầu, song song với việc kiểm soát cân nặng.

Bài viết này có hữu ích không?

0 trên 0 người đã thích bài viết này

Bạn vẫn cần trợ giúp? Nhắn tin cho Chúng tôi