10 Sai lầm thường gặp trong điều trị bệnh đai tháo đường.

Eatsy

Cập nhật Lần cuối 3 năm trước

1. Không nắm được mục tiêu điều trị.

Một số bệnh nhân rất lo lắng khi đường máu trước ăn lên đến 7 mmol/l, một số khác lại cho rằng đường máu ở mức 4 mmol/l là rất tốt. Theo hội đái tháo đường mỹ, mục tiêu đường máu của các bệnh nhân đái tháo đường trước ăn là 4,4 - 7,2 mmol/l, sau ăn 2 giờ là <10 mmol/l và HbAc < 7%. Vì vậy đường máu 7,2 mmol/l là đạt mục tiêu, ngược lại đường máu 4 mmol/l lại không được khuyến cáo vì nó không an toàn do có thể sắp bị hạ đường máu.


2. Vào ngày đi khám bệnh, bệnh nhân vẫn uống thuốc hạ đường máu hoặc tiêm insulin vào buổi sáng theo đơn nhưng lại nhịn ăn để đến bệnh viện làm xét nghiệm. Vì thế nếu bị chờ khám lâu thì họ dễ bị hạ đường máu nặng. Lưu ý là trong đơn thuốc các bác sĩ đều ghi rõ là tiêm/uống thuốc trước khi ăn 10 hay 30 phút, nên chỉ tiêm khi đã có thức ăn và được phép ăn.


3. Chỉ kiểm tra đường máu lúc đói, thường là trước bữa ăn sáng. Ước tính trên 90% số bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú không hề được đo đường máu sau ăn. Rất nhiều người phàn nàn là tại sao đường máu của họ tương đối tốt mà vẫn bị nhiều biến chứng. Lý do là vì họ quên kiểm soát đường máu sau ăn, mà theo các nghiên cứu thì tăng đường máu sau ăn có nguy cơ gây biến chứng tim mạch nhiều hơn tăng đường máu lúc đói.


4. Không thử đường máu lúc bị đói.

Theo phản xạ thì các bệnh nhân đái tháo đường khi có cảm giác đói sẽ nghĩ ngay là do hạ đường máu và ăn ngay. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp đó là hiện tượng đói giả tạo, hay xảy ra ở những người có đường máu cao trong thời gian dài, và khi được điều trị đưa đường máu xuống mức gần mức bình thường thì họ có cảm giác như bị hạ đường máu thực sự. Để phát hiện chính xác trường hợp này thì người bệnh nên đo đường máu trước khi quyết định có ăn thêm hay không.


5. Chỉ điều trị thuốc đái tháo đường mà không dùng các thuốc khác như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, aspirin vì cho rằng các thuốc này ít quan trọng hơn. Theo các nghiên cứu, rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường có kèm theo tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn đông máu, và có tới 70 - 80 % các bệnh nhân bị tử vong do các biến chứng tim mạch, vì vậy nếu chỉ kiểm soát tốt đường máu mà không kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch khác thì sẽ là vô nghĩa.


6. Không mang sổ y bạ hay đơn thuốc đi khám lại.

Bản chất của điều trị đái tháo đường là quá trình dò liều, nên bác sĩ khi kê đơn phải dựa trên cơ sở liều lượng các thuốc người bệnh đang dùng trước đó. Nhiều người bệnh nghĩ là thầy thuốc có thể nhớ đơn thuốc của mình nhưng điều đó là không thể vì có đến hàng trăm loại thuốc khác nhau. Để khắc phục điều này thì người bệnh nên chụp và lưu giữ đơn thuốc trong điện thoại của mình.


7. Hết thuốc nhưng không mua dùng tiếp vì sắp đến ngày khám lại. Nhiều người bệnh nghĩ là hết thuốc vài ba ngày chắc cũng không sao nhưng chỉ cần nửa ngày không có thuốc là đường máu đã tăng cao, có thể gây nhiễm toan xê tôn và người bệnh phải đi cấp cứu. Đặc biệt, nếu không dùng thuốc thường xuyên thì đường máu dao động nhiều sẽ làm tăng cao nguy cơ bị các biến chứng mạn tính của đái tháo đường. Vì vậy nếu chưa đi khám được thì người bệnh nên mua tiếp và dùng theo đơn cũ.


8. Dùng mãi một đơn thuốc.

Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân lười đi khám, dùng mãi một đơn thuốc vì cho rằng đơn thuốc đó là rất tốt và phù hợp. Thực tế đái tháo đường tuýp 2 là bệnh mạn tính và tiến triển liên tục, khả năng tiết insulin nội sinh sẽ giảm dần và đường máu có xu hướng sẽ tăng dần. Một đơn thuốc có thể rất tốt tại thời điểm hiện tại nhưng sẽ không còn phù hợp sau 3 - 6 tháng sau, vì vậy người bệnh cần đi khám để được điều chỉnh liều trước khi quá muộn.


9. Khi bị ốm thì bỏ luôn các thuốc đái tháo đường. Người bệnh thường nghĩ khi bị ốm sẽ ăn kém đi và đường máu sẽ hạ nên cần giảm hoặc ngừng uống thuốc đái tháo đường hoặc tiêm insulin. Tuy nhiên thực tế thì khi bị ốm thì các tuyến nội tiết đều tăng hoạt động, sản xuất ra nhiều hormon hơn, và tất cả các hormon này đều làm tăng đường máu. Vì vậy khi bị ốm, đa số người bệnh cần tăng liều thuốc uống hay insulin thì mới kiểm soát được đường máu.


10. Tự chữa các vết loét bàn chân ở nhà.

Người bệnh và người nhà thường cho rằng vết loét nhỏ xíu có gì mà đáng ngại, nó sẽ tự liền nhanh thôi. Nhưng người bệnh đái tháo đường khi có vết loét ở bàn chân, dù rất nhỏ thì có nghĩa là họ đã có nhiều biến chứng nặng như biến chứng thần kinh, mạch máu, và nếu không được điều trị đồng thời tất cả những biến chứng này thì vết loét sẽ không thể tự liền được, nó sẽ lan rất nhanh và làm tăng nguy cơ bị cắt cụt chân, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy trong trường hợp này, tự làm bác sĩ đồng nghĩa với làm đao phủ của chính mình.

Bài viết này có hữu ích không?

0 trên 0 người đã thích bài viết này

Bạn vẫn cần trợ giúp? Nhắn tin cho Chúng tôi